Thân thế và sự nghiệp Lữ Giang

Ông sinh năm 1918, quê xã Thượng Xá (nay là xã Nghi Xá), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Thân phụ ông là Nguyễn Trương Diễm, một nhà Nho yêu nước, đỗ Tú tài Hán học, được bà con trong vùng gọi là cụ Hàn Diễm. Gia đình ông có truyền thống yêu nước, các anh trai đều tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, có người là sang lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Anh cả là Nguyễn Trương Nhĩ. Anh trai thứ hai là Nguyễn Trương Thúy, người sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và là Bí thư Huyện ủy Xuân Trường. Hiện nay, tại huyện Xuân Trường có trường THPT Nguyễn Trương Thúy. Anh trai thứ ba là Nguyễn Trương Khoát, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT).

Hồi còn nhỏ, Nguyễn Trương Bờn ở với cha mẹ. Năm lên 5, 6 tuổi học chữ Nho với cha, lên 7 tuổi theo anh cả Nguyễn Trương Nhĩ đi học ở Thanh (chợ Đu, Thiệu Hóa). Từ 8 tuổi đến 13 tuổi, theo anh thứ hai Nguyễn Trương Thúy đi học ở Nam Định (Năng Tĩnh, Lạc Quần, Xuân Trường, Hải Hậu)[2].

Năm 15 tuổi thi đỗ vào trường Trung học ở Vinh. Học chăm, thích và giỏi Toán Hóa, Việt văn. Ông cùng các bạn đồng môn thường thích xem sách báo, phim lãng mạn (Tiểu thuyết của Nhà xuất bản Đời nay, báo Phong Hóa của nhóm Tự lực Văn đoàn).

Hè năm 1936, nghỉ học về nhà, được chi bộ xã Thượng Xá kết nạp vào Đảng. Người giới thiệu là Nguyễn Trương Khoát và Nguyễn Trương Lâm. Người công nhận là Nguyễn Đức Dương, đại biểu Huyện ủy Nghi Lộc (sau này là Khu ủy viên khu 5, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê).

Năm 1937, thi đỗ Trung học, cuối năm đó ra học trường thư thục Thăng Long (Hà Nội) do các thầy giáo Nguyễn Bá Húc (Hiệu trưởng), Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phạm Huy Thông,… giảng dạy.

Được mấy tháng bị ốm, nhà không đủ tiền trợ cấp, nên bỏ học về nhà.

Cuối năm 1937 cưới vợ. Đầu năm 1938, đi dạy tư ở trường Đông Hải (Hải Dương). Một người học trò trong thời gian dạy học tại trường tư thục Đông Hải (Hải Dương) sau này là Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa) là bà Trần Thị Minh Châu.

Sau 6 tháng, về dạy ở Vinh đồng thời trông coi hiệu sách Hồng Lam của Đảng. Thời gian này, ông thường đi Hà Nội, giao thiệp với các ông Phạm Văn Huệ (Hiệu sách Đồng Xuân), Đào Duy Kỳ, Trịnh Hoài Đức, Trần Đình Tri.

Hiệu sách bị mật thám đóng cửa, ông về nhà hoạt động rồi đầu năm 1939 lên dạy trường Chung Anh ở Đô Lương. Thời gian dạy học ở đây chỉ 6 tháng song được tín nhiệm, thường tuyên tuyền cho học sinh tinh thần yêu nước, căm ghét thực dân đế quốc áp bức bóc lột.

Cuối 1939, làm thư ký Thuế quan Hà Nội, sau đó làm Thư ký cho một hãng thầu khoán ở Sơn Tây, ở Phủ Diễn, Tân Ấp rồi sang Lào (1940 – 1943).

Năm 1943, bị ốm về nhà, làm vườn, nghiên cứu chữ nho và sách thuốc.  

Tháng 4 năm 1945, Tỉnh ủy Nghệ An phái đồng chí Nguyễn Đức Tịnh về liên lạc, giao cho ông tổ chức Mặt trận Việt Minh và Đảng bộ huyện Nghi Lộc. Ông đã liên hệ với các đồng chí Nguyễn Trương Khoát, Hoàng Đan (sau này là Thiếu tướng, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng, Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự - Bộ Quốc phòng), Trần Văn Bành (sau này là Cục trưởng Cục Đối ngoại – Bộ Quốc phòng), tổ chức Huyện ủy lâm thời Nghi Lộc, và tổ chức phát triển Mặt trận Việt Minh huyện Nghi Lộc.

Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945, ông phụ trách Ủy viên Quân sự cướp chính quyền huyện Nghi Lộc. Sau đó ông tham gia Huyện ủy, đồng thời là Ủy viên Quân sự và Ủy viên Công an trong Ủy ban nhân dân huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.